Những điều bạn cần biết để đề phòng với bệnh dại.
Hiện nay, bệnh dại đang có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương trong cả nước. Tại Quảng Ninh, tính đến ngày 30/8/2023 đã ghi nhận 01 trường hợp tử vong do dại tại xã Quảng Đức, huyện Hải Hà. Phát hiện và xử lý 08 ổ dịch dại trên chó tại huyện Bình Liêu (4 ổ), huyện Đầm Hà (2 ổ), huyện Hải Hà (1 ổ) và huyện Ba Chẽ (1 ổ).Việc chậm triển khai tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo nuôi kèm theo tình hình bệnh Dại vẫn đang lưu hành trên đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh và công tác quản lý chó, mèo nuôi thả rông tại các địa phương chưa tốt là nguy cơ cao cho bệnh Dại xảy ra gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khoẻ người dân.
Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với các bệnh dại qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc dại.
Ở Việt Nam, chó là ổ chứa vi rút dại chủ yếu chiếm 96-97% sau đó là mèo. Người bệnh dại thường có biểu hiện:
Giai đoạn tiền triệu chứng: thường 1- 4 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi vi rút xâm nhập.
Giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên.
Bệnh thường kéo dài từ 2- 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp.
Cho đến nay, bệnh Dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, bệnh dại đã có vắc xin phòng bệnh và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh Dại.
Để chủ động phòng chống bệnh Dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
4. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:
- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Dại khi bị chó, mèo cắn.
- Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.
- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
- Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại.
+ Phải tiêm sớm ngay sau khi bị cắn hoặc tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại.
+ Phải tiêm đủ số mũi, đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo chỉ định của bác sĩ đối với từng loại vaccin dại và phác đồ tiêm.
+ Phải tiêm đúng liều lượng, đúng kỹ thuật và vaccin phải được bảo quản ở nhiệt độ 40C - 80C.
+ Trong thời gian tiêm không nên làm việc quá sức, không uống rượu và dùng các chất kích thích.
+ Không dùng các thuốc làm giảm miễn dịch... trong và sau khi tiêm phòng dại 6 tháng.
- Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh Dại./.
Nguồn: Trạm y tế phường Hà Khánh
Tin tức khác
- Biên bản kết thúc niêm yết công khai đề nghị xét tặng danh hiệu khu phố văn hóa năm 2024 trên địa bàn phường Hà Khánh
- Thông báo về việc niêm yết công khai đề nghị xét tặng danh hiệu khu phố văn hóa năm 2024 trên địa bàn phường Hà Khánh
- Phường Hà Khánh: Xây dựng đường băng cản lửa - một trong những phương án tối ưu cho công tác phòng chống cháy rừng
- Phường Hà Khánh: Tổ chức triển khai tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) trên địa bàn phường
- Phường Hà Khánh: Tổ chức tọa đàm “Không để trẻ cô đơn, bảo vệ trẻ em trước nạn xâm hại”