Một số thông tin cần biết về luật phòng, chống tác hại của rượu, bia
Với mục tiêu nhằm giảm tác hại của việc sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe, xã hội, kinh tế thông qua các biện pháp về giảm mức tiêu thụ rượu, bia; quản lý việc cung cấp, hạn chế tính sẵn có của rượu, bia; giảm tác hại, bảo đảm nguồn lực để phòng, chống tác hại của rượu, bia góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe người dân, phòng ngừa tai nạn giao thông và các tác động đến kinh tế, xã hội, ngày 14/6/2019, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (sau đây gọi tắt là Luật) có hiệu thi hành từ ngày 01/01/2020. Để việc triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật trong thực tiễn cuộc sống, chúng ta cần lưu ý một số quy định sau:
1. Thứ nhất: Cấm ép buộc người khác uống rượu, bia: Tại khoản 1 Điều 5 Luật quy định cấm hành vi: “Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia”. Kể từ ngày 01/01/2020, người nào thực hiện hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia là vi phạm pháp luật. Hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia có thể hiểu là hành vi rủ rê, ép người khác uống không theo ý muốn của họ hay là hành vi thách đố nhau uống rượu, bia.
2. Thứ hai: Đã uống rượu, bia thì không lái xe: Tại Điều 5 của Luật có 13 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó đáng chú ý là hành vi: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.Như vậy, việc cấm lái xe khi vừa uống rượu, bia đã chính thức được luật hóa. Đây là một quy định hoàn toàn mới so với quy định trước đây được quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đó là “Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông”. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ cần người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu có nồng độ cồn là đã vi phạm chứ không cần phải có nồng độ cồn vượt mức so với quy định trước đây thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là một điểm mới rất quan trọng mà tất cả chúng ta cần phải nắm rõ để tránh vi phạm. Quy định này cũng nhằm giảm thiếu đến mức thấp nhất những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do lái xe sử dụng rượu, bia thiếu ý thức, không tuân thủ pháp luật trong thời gian qua.
Hiện nay, việc xử phạt đối với hành vi “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” được thực hiện theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ), theo đó, các mức xử phạt đều cao hơn so với trước đây.
3. Thứ ba: Không quảng cáo rượu, bia dưới 5,5 độ trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ. Theo quy định,việc quảng cáo đối với rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên bị nghiêm cấm. Đối với trường hợp quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt tại khoản 3 Điều 12 của Luật, cụ thể:“Không quảng cáo trên truyền hình trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hàng ngày, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ”.
Thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hàng ngày được coi là “khung giờ vàng” để quảng cáo. Việc quy định thời gian quảng cáo trong khoảng thời gian này là một trọng những biện pháp nhằm giảm mức thiêu thụ rượu, bia.
4. Thứ tư: Tổ chức, cá nhân kinh doanh không được tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia: Tài trợ là hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt, sản phẩm hay một dịch vụ nào đó của doanh nghiệp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân; đồng thời là một hình thức quảng cáo, tiếp thị của doanh nghiệp. Rượu, bia là mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng, nên cần có quy định để quản lý hoạt động tài trợ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu, bia. Do đó Điều 14 quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia thực hiện tài trợ phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan đến việc tàitrợ và không được tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia”. Việc quản lý tài trọ của tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia cũng là một trong những biện pháp giảm mức tiêu thụ của rượu, bia.
5. Thứ năm: Phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổiTại khoản 5 Điều 32 của Luậtquy định: “Cơ sở bán, rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh".
Nguồn: Trạm y tế phường Hà Khánh
Tin tức khác
- Biên bản kết thúc niêm yết công khai đề nghị xét tặng danh hiệu khu phố văn hóa năm 2024 trên địa bàn phường Hà Khánh
- Thông báo về việc niêm yết công khai đề nghị xét tặng danh hiệu khu phố văn hóa năm 2024 trên địa bàn phường Hà Khánh
- Phường Hà Khánh: Xây dựng đường băng cản lửa - một trong những phương án tối ưu cho công tác phòng chống cháy rừng
- Phường Hà Khánh: Tổ chức triển khai tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) trên địa bàn phường
- Phường Hà Khánh: Tổ chức tọa đàm “Không để trẻ cô đơn, bảo vệ trẻ em trước nạn xâm hại”