Hội viên Hội Nông dân phường Hà Khánh vươn lên vượt khó ổn định cuộc sống

Hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua do Hội Nông dân phường phát động, hộ hội viên Lưu Thị Mai, chi hội 1, phường Hà Khánh, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh là một tấm gương điển hình tiên tiến của mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau vượt khó.

Sinh năm 1960 tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Sau khi tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bà làm giáo viên tiểu học tại quê nhà. Năm 2006, bà xin nghỉ chế độ một lần do chồng bà sức khỏe yếu. Sau khi chồng mất, một mình bà vật lộn nuôi 2 người con ăn học, trưởng thành với đủ nghề. Năm 2010, bà chuyển về phường Hà Khánh sinh sống và tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Là hội viên Hội Nông dân phường Hà Khánh, bà luôn là tấm gương cho con cháu và những người xung quanh về lối sống, đạo đức và tinh thần vươn lên vượt khó. Sau khi tìm kiếm và làm qua nhiều nghề, bà quyết định tự mình làm chủ. Vốn liếng trong tay hạn chế, bà đã suy nghĩ và bắt đầu tìm hiểu về cách làm khoai lang kén – một món ăn nhẹ đơn giản nhưng thường có tại các nhà hàng, siêu thị, quán ăn…bà phải mất một thời gian dài để tìm nguyên liệu và công thức tỷ lệ pha trộn phù hợp tạo ra món khoai lang kén ngon, giòn mà không mất đi hương vị đặc trưng.

Sau một thời gian, được sự giúp đỡ của các con, sự động viên giúp đỡ của Chi hội Nông dân khu phố, của Hội Nông dân phường Hà Khánh, bà quyết định mở rộng thị trường cung ứng như các nhà hàng, quán ăn. Ban đầu do lượng cung cấp khoai lang kén ở ngoài thị trường nhiều, giá thành lại rẻ, bà gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh. Nhưng khi bỏ mối ở một số nhà hàng, cộng với việc người dân xung quanh đặc biệt là những hội viên hội Nông dân biết bà làm món ăn vặt này có hương vị ngon, ngọt vừa phải, món ăn của bà đã chiếm được cảm tình của nhiều thực khách. Cứ như thế, nhiều nhà hàng, quán ăn đã liên lạc, đặt hàng mỗi ngày. Lượng khách nhiều lên, một mình bà làm không đáp ứng được, bà quyết định thuê thêm 02 người phụ giúp. Khi món khoai lang kén của bà đã có đông lượng khách hàng bà bắt đầu tìm hiểu thêm món thịt lợn giả bò khô, thịt bò khô. Lại một lần nữa, bà tìm và định lượng để có một công thức hoàn hảo cho món ngon của mình. Và lần này, chẳng cần phải quảng bá sản phẩm, hương vị của món ăn đã khuyếch tán trong không gian. Thêm một lần nữa bà thành công với món ăn ngon của mình.

Nhờ chịu khó học hỏi, đầu tư đúng hướng, đến nay bà đã có một cơ sở sản xuất nhỏ, tạo việc làm cho 02 lao động trong đó ưu tiên sử dụng những lao động là các hội viên nông dân khó khăn, không có việc làm để tạo điều kiện giúp đỡ cho hộ nông dân cùng nhau vượt khó. Trung bình mỗi tháng, bà xuất từ 2 đến 2,5 tấn khoai thành phẩm, có tháng đỉnh điểm như dịp tết cơ sở của bà xuất đi khoảng 5,5 tấn khoai thành phẩm. Vào những tháng mùa đông, xuân, đặc biệt là vào dịp tết, cơ sở mới làm thêm thịt lợn giả bò khô, thịt bò khô. Như vậy, trừ các khoản chi phí, thuê nhân công mỗi tháng từ 5 – 6 triệu đồng/người, bà thu về từ 11 đến 12,5 triệu đồng trên tháng. Được con gái hỗ trợ, bà đã lập trang facebook mang tên “Bếp của Hoài” – tên con gái bà với những món ngon của mình và có trên 50 nghìn lượt người theo dõi.

Bên cạnh đó, bà còn giúp đỡ về kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, vốn, không tính lãi cho 05 hội viên hội nông dân quan tâm đến mảng dịch vụ sản xuất của bà. Hướng dẫn bà con trong khu vực về vệ sinh an toàn thực phẩm khi sơ chế, chế biến sản phẩm không xảy ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm.

Bà Mai chia sẻ: “Để có một thành phẩm tốt thì khâu đầu tiên phải chọn được nông sản tốt như khoai không hà, không hư hỏng dập nát, loại bột phải là loại chất lượng đảm bảo, đặc biệt là tỷ lệ pha trộn giữa bột và khoai sao cho phù hợp nếu không khoai sẽ không giòn, không thơm ngon…món thịt lợn giả bò khô, thịt bò khô cũng vậy, điều quan trọng đặt lên hàng đầu bao giờ cũng là chất lượng của thịt khi mua về, làm sạch, sơ chế, thêm vào đó là gia vị ướp vừa đủ để ngấm vào từng sợi thịt xé và không được dùng chất bảo quản, tạo màu, tạo mùi cho sản phẩm. Mình làm cho mình, gia đình, người thân mình cũng như làm cho khách hàng ăn. Họ thấy ngon, an toàn sạch sẽ thì họ sẽ nhớ tới mình”.

Có thể nói mô hình phát triển khinh tế dịch vụ của hộ bà Mai đã mang lại hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, là động lực để cán bộ hội viên Hội Nông dân phường Hà Khánh không ngừng nỗ lực, phấn đấu xây dựng cuộc sống mới từ đôi bàn tay và ý chí vươn lên vượt khó, cần được khuyến khích nhân rộng trên địa bàn toàn phường.

Thu Hương

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1293