Hạ Long – những điều bạn muốn biết

Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh là địa danh đã rất quen thuộc với du lịch Việt Nam. Sở hữu hệ thống núi đá, cảnh quan trên vịnh biển đẹp đến mê hoặc lòng người mà thiên nhiên ưu đãi ban tặng đã giúp Vịnh Hạ Long trở thành di sản Quốc gia Việt Nam và đặc biệt được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Thành phố Hạ Long được thành lập ngày 27 tháng 12 năm 1993 trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của Thị xã Hồng Gai cũ. Đến năm 2013, thành phố được công nhận là đô thị loại 1.

1. Vị trí địa lý      

Hạ Long là thành phố nằm ở trung tâm của Tỉnh Quảng Ninh. Sau khi được sáp nhập với huyện Hoành Bồ, vị trí địa lý Hạ Long đã thay đổi. Có vị trí tiếp giáp: Phía Bắc giáp huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) và huyện Ba Chẽ; phía Nam giáp vùng biển Cát Bà - Hải Phòng, vùng biển Bái Tử Long và vịnh Bắc Bộ; phía Đông giáp thành phố Cẩm Phả; phía Tây giáp thị xã Quảng Yên, thành phố Uông Bí.

Tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn

2. Hành chính

Đầu năm 2020, thành phố Hạ Long chính thức sáp nhập với Huyện Hoành Bồ, thành lập phường Hoành Bồ trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số thị trấn Trới. Nâng tổng số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc lên 33 bao gồm 21 phường và 12 xã. Tổng diện tích tự nhiên trên đất liền là 1.121,322 km2 diện tích mặt biển khoảng 402 km2.

3. Khí hậu

Thành phố Hạ Long thuộc vùng khí hậu ven biển, với 2 mùa rõ rệt là mùa đông (mùa khô) và mùa hè (mùa mưa). Nhiệt độ trung bình hằng năm là 23.7 °C. Độ ẩm trung bình là 84%. Thời tiết ở Hạ Long tương đối giống với Thủ đô Hà Nội, bao gồm cả hai giai đoạn giao thoa giữa mùa mưa với mùa khô, giúp hình thành thêm 2 mùa đặc trưng của miền Bắc là mùa xuân và mùa thu.

Mùa đông Hạ Long thường bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, nhiệt độ trung bình là 16.7 °C. 

Mùa hè bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, nhiệt độ trung bình vào mùa hè là 28.6 °C, nóng nhất có thể lên đến 38 °C.

Do nằm ở cạnh biển và sở hữu điều kiện tự nhiên đa dạng, địa hình bao gồm cả đồi núi, thung lũng, vùng ven biển và hải đảo nên không khí ở Hạ Long được đánh giá là trong lành và dễ chịu. Ngoài ra, nằm trong vùng biển kín, được bao bọc bởi hệ thống hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, giúp Hạ Long hay Quảng Ninh ít chịu thiệt hại của các cơn bão lớn.

4. Giao thông kết nối thành phố Hạ Long

Mạng lưới giao thông trên địa bàn TP Hạ Long về đối ngoại và đối nội gồm đầy đủ các loại hình: Giao thông đường bộ, đường biển, đường sắt, đường sông và đường hàng không (thủy phi cơ và máy bay thương mại kết nối từ Huyện Vân Đồn).

4.1 Đường bộ

Mạng lưới giao thông đến thành phố Hạ Long chủ yếu gồm các tuyến đường QL18, QL 279, đường tỉnh 337 và tuyến cao tốc trọng điểm Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái. Mạng lưới giao thông nội thị của TP Hạ Long có tổng chiều dài trên 380 km, liên tục được đầu tư mở rộng, nâng cấp.

Hệ thống đường đối ngoại

Hạ Long nằm chính giữa QL 18 nối từ sân bay quốc tế Nội Bài tới cửa khẩu Móng Cái đã và đang liên tục được nâng cấp, mở rộng do nhu cầu đi lại tăng rất nhanh. Điểm đầu của tuyến QL 279 nằm tại Ngã tư Ao Cá thuộc thành phố Hạ Long.

Hiện nay đã xây dựng xong các tuyến đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long – Vân Đồn, Vân Đồn – Móng Cái, Hạ Long – Nội Bài (Hà Nội); nâng cấp và mở rộng QL 18 đoạn Hạ Long – Mông Dương.

Tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng

Cùng với đó, TP Hạ Long đầu tư xây dựng mới cầu nối khu Hà Khánh với tỉnh lộ 328, nằm trên tuyến đường trục chính Hà Tu – Hoành Bồ để kết nối tuyến đường vành đai tỉnh lộ 328; nghiên cứu, đầu tư xây dựng tuyến đường bao biển kết nối Hạ Long với Cẩm Phả; nâng cấp QL18 đoạn từ nút giao với đường cao tốc đến ngã 3 Hùng Thắng từ 4 làn xe lên 10 làn xe.

Hệ thống đường nội thành (đường phố)

Hiện nay TP Hạ Long đã hoàn thiện nút giao thông Cái Dăm (Ngã 5 giữa các trục đường lớn là đường Hạ Long – Bãi Cháy – Hoàng Quốc Việt); đường vào khu công nghiệp Việt Hưng; hoàn thiện dự án Cải tạo nâng cấp đường Trần Phú (336); mở rộng nâng cấp nút giao thông Loong Toòng và cầu bài thơ; mở rộng đường Trần Hưng Đạo; nghiên cứu cải tạo nút giao thông Kênh Liêm và đường Kênh Liêm…

Người địa phương thường phân chia Hạ Long thành hai khu vực Hòn Gai (Hồng Gai) và Bãi Cháy kết nối bằng cây cầu Bãi Cháy bắc qua Vịnh Cửa Lục. Khu vực Hòn Gai là trung tâm dân cư, hành chính của thành phố và tỉnh Quảng Ninh còn khu vực Bãi Cháy là trung tâm du lịch. 

4.2 Đường thủy

Thành phố có tiềm năng rất lớn để phát triển giao thông thuỷ. Cảng Cái Lân có khả năng tiếp nhận 1 triệu tấn hàng hoá mỗi năm. Cảng xăng dầu B12 là cảng chuyên dùng (xăng, dầu) công suất khoảng 1 triệu tấn/năm, độ sâu bến 7-9m cho tàu 1 vạn tấn. Hệ thống đường ống dẫn dầu đi từ cảng B12 là hệ thống giao thông đường ống lớn nhất và duy nhất ở nước ta. Cảng Hòn Gai có thể đón tàu 1 vạn tấn vào sát bờ, các tàu lớn hơn có thể chuyển tải từ vùng cảng nổi trong vịnh.

Hệ thống Cảng tàu du lịch quốc tế trên đảo Tuần Châu cùng với bến phà nối Tuần Châu – Cát Bà. Đây là cảng tàu chính phục vụ du khách tham quan Vịnh Hạ Long.

Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long

Năm 2019, Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long chính thức đi vào hoạt động. Tọa lạc ngay tại trung tâm du lịch Bãi Cháy, nằm trên Vịnh Cửa Lục. Đây là công trình cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt đầu tiên của Quảng Ninh cũng như trên cả nước. Công trình đạt tiêu chuẩn quốc tế, đón được tàu có tải trọng lớn nhất lên đến 225.000 GRT, với tổng số người lên đến 8.460 (gồm cả hành khách, thủy thủ đoàn), phục vụ được 2 siêu du thuyền đậu cùng lúc. 

Các hạng mục chính của công trình gồm: cầu cảng, cầu dẫn, bến du thuyền, nhà ga hành khách, nhà công vụ của cơ quan chức năng. Trong đó bến cảng khách dài 406m gồm 6 trụ neo; sảnh đón khách dài 130m, rộng 30m, bến du thuyền được thiết kế hiện đại, đẳng cấp…

Ngoài ra cảng còn có bến thủy nội địa được thiết kế với 4 cầu bến hiện đại, sức chứa tối đa tới 300 tàu du lịch tham quan và lưu trú đi các tuyến thăm vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và bến Gia Luận (Cát Bà), có công năng phục vụ được các tàu du lịch, tàu tham quan, tàu ngủ đêm và tàu cao tốc cỡ lớn.

4.3 Đường hàng không

Trực thăng, thủy phi cơ

Thành phố có những bãi đỗ cho sân bay trực thăng và thuỷ phi cơ. Hiện nay có máy bay trực thăng hàng tuần đưa khách đi du lịch từ Hà Nội tới Bãi Cháy và cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu. Từ tháng 9/2014, Hàng không Hải Âu bắt đầu cung cấp dịch vụ bay thủy phi cơ bay 45 phút từ bến cảng Tuần Châu đến sân bay Nội Bài.

Thủy phi cơ Hải Âu tại cảng Tuần Châu

4.4 Đường sắt

Tuyến đường sắt Quốc gia nối Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân đã và đang được nâng cấp xây dựng để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa từ Hà Nội tới Hạ Long và cảng Cái Lân.

5. Đặc điểm du lịch

5.1 Cảnh quan thiên nhiên

Hạ Long là thành phố biển của tỉnh Quảng Ninh, trung tâm du lịch lớn của Việt Nam với đường bờ biển trải dài 50km bên Vịnh Hạ Long. Sở hữu hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ kiến tạo nên di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới. Mảnh đất “Rồng Hạ” nơi đây may mắn khi được ban tặng một hệ thống cảnh quan kỳ vĩ, các hang động tự nhiên đẹp bậc nhất. Chỉ cần đi dọc theo con đường ven biển dù ở Bãi Cháy hay Hòn Gai, du khách đã có thể chiêm ngưỡng được khung cảnh núi đá trùng điệp của Vịnh Hạ Long.

Du thuyền trên Vịnh Hạ Long

Thành phố biển chắc chắn phải nhắc đến các bãi biển. Hạ Long sở hữu 1 bãi tắm lớn công cộng phục vụ du khách trải dài gần 4km tại Bãi Cháy, nằm trong quần thể nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí hiện đại bậc nhất được đầu tư bởi Sun Group. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm các loại hình dịch vụ biển đa dạng.

Ngoài ra, các bãi tắm khác tại đảo Tuần Châu, tại khu đô thị Halong Marina hay trên các đảo Ti Tốp, đảo Soi Sim của Vịnh Hạ Long đều là những bãi tắm đẹp, được đầu tư phục vụ du lịch. Gần đây, bãi tắm Hòn Gai nằm ở đường Trần Quốc Nghiễn cũng được đưa vào hoạt động đã làm đa dạng các bãi biển tại Hạ Long cho du khách.

Bãi biển Bãi Cháy nằm trong quần thể Công viên Sun World

5.2 Môi trường sống, văn hóa, con người địa phương

Mặc dù là địa danh du lịch nổi tiếng xong môi trường sống tại Hạ Long tương đối yên bình. Không khí trong lành, hiếm khi xảy ra tình trạng tắc đường trong nội thị, an ninh, trật tự luôn được đảm bảo. Nhịp sống ở trung tâm Hạ Long đông vui, nhộn nhịp nhưng không quá xô bồ.

Hạ Long vẫn rất sôi động với các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí được tổ chức liên tục trong năm như các lễ hội âm nhạc, lễ hội ẩm thực, lễ hội đường phố đa dạng, các chương trình biểu diễn ca nhạc có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng thường xuyên được tổ chức như lế hội Carnaval Hạ Long, Văn hóa nghệ thuật Đường phố được tổ chức vào các ngày cuối tuần…

Lễ hội Carnaval Hạ Long

Con người Hạ Long và Quảng Ninh nói chung thừa hưởng những giá trị truyền thống qua hàng ngàn năm phát triển của Văn hóa biển, vùng đất của những con người làm nghề chài, đi biển buôn bán lẫy lừng Nam – Bắc.

Cùng với phong trào Công nhân phát triển mạnh từ những năm đầu thế kỷ 20, các phu mỏ từ khắp tỉnh thành mang theo con người, văn hóa đặc trưng hội tụ về Hạ Long, về Quảng Ninh, cùng sống với người dân bản địa trong một môi trường lao động, cùng chịu những áp bức, bóc lột giống nhau nên họ đã cùng chia sẻ, gắn bó, đoàn kết với nhau đấu tranh kiên cường.

Trải qua những khó khăn đó đã tạo nên một giá trị tinh thần to lớn “Kỷ luật, đồng tâm” cho những người thợ mỏ, cho ngành Than. Kết hợp với truyền thống năng động, sáng tạo, đổi mới đã tạo nên một Văn hóa công nhân mỏ đầy tự hào của Hạ Long - Quảng Ninh. Sự giao thoa của Văn hóa biển với bề dày lịch sử cùng Văn hóa công nhân mỏ của sự kiên cường, đổi mới đã tạo nên những người con Quảng Ninh nói chung và con người Hạ Long nói riêng “hào sảng, thân thiện, mến khách và văn minh”.

6. Thành tựu phát triển du lịch

Nhìn lại sự phát triển của Hạ Long, có thể thấy, lịch sử hình thành và phát triển của thành phố gắn liền với phong trào đấu tranh cách mạnh anh hùng và đầy tự hào. 93 năm dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Quảng Ninh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hạ Long đã phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước, truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của vùng mỏ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, một lòng tin tưởng theo Đảng, cùng cả nước viết nên những trang sử hào hùng trong cuộc đấu tranh giành chính quyền; kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; kháng chiến chống Mỹ cứu nước; xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên quê hương. Những sự kiện lịch sử gắn với bao chiến công oanh liệt mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hạ Long đạt được mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố.

Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

Trong thời gian tới, với quyết tâm chính trị cùng sự chủ động, quyết liệt, đột phá, sáng tạo, linh hoạt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, tin tưởng của Nhân dân toàn thành phố, thành phố Hạ Long sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức nỗ lực để tiếp tục vững bước đi lên, phấn đấu xây dựng thành phố Hạ Long kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình; xứng đáng với niềm tin yêu, kỳ vọng của Nhân dân, xứng đáng với vị thế, vai trò trung tâm của tỉnh Quảng Ninh.

Thu Hương (Trong bài có sử dụng một số hình ảnh sưu tầm từ Cổng thông tin điện tử Tỉnh Quảng Ninh).

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 50