Đình Giang Võng – mang đậm nét văn hóa đặc sắc của ngư dân phường Hà Khánh

Đình Giang Võng hay còn gọi là đình Cái Đá, đình Hà Khánh vì đình được ngư dân làng chài Giang Võng dựng ở chân núi phía Tây Nam gành đồi Cái Đá thuộc phường Hà Khánh. Đình thờ phụng Thành Hoàng làng, các vị anh hùng dân tộc, các vị có công với nước, với dân để bảo vệ, cứu giúp dân làng làm ăn phát triển.

Hạ Long có những làng chài độc đáo như Giang Võng, Trúc Võng hay Cửa Vạn... Dù ở nơi đầu sóng ngọn gió, bốn bề sóng vỗ nhưng ngư dân làng chài vẫn kiên cường bám biển, dựng làng. Trong cuộc sống hôm nay vẫn bảo lưu được những giá trị văn hóa truyền thống, những nét văn hóa đặc trưng riêng mang đậm yếu tố biển.

Nền văn hóa ấy đã vượt lên điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, của chiến tranh, của xã hội hiện đại để tự khẳng định và ngày càng làm giàu thêm kho tàng văn hóa của chính mình.Minh chứngcho các giá trị ấy là hệ thống các di tích, lễ hội của ngư dân làng chài, trong đó di tích và lễ hội đình Giang Võng

Đình Giang Võng hay còn gọi là đình Cái Đá, đình Hà Khánh vì đình được ngư dân làng chài Giang Võng dựng ở chân núi phía Tây Nam gành đồi Cái Đá. Từ năm 1980 trở lại đây, một số người dân thấy đình nằm ở địa bàn phường Hà Khánh nên còn gọi đình là đình Hà Khánh.

Xưa kia, đình được dựng ngay sát mép nước biển, dân làng cầu cúng, lễ bái, hội hè đều neo đậu thuyền bè ngay sát cửa đình. Đình quay hướng Đông Nam, hai bên đình có hai cây đa. Bên trái (theo hướng đình) có giếng nước ngọt quanh năm không bao giờ cạn, bên phải có một miếu nhỏ thờ Mẫu. Đình có kết cấu kiến trúc hình chữ Nhị, Tiền tế gồm 5 gian rộng khoảng 105m, Đại Bái có 3 gian rộng 45m. Đình được xây tường bao và hồi bằng gạch đỏ, trát vữa vôi cát, các vì kèo bằng gỗ. Các cột được kê trên các chân tảng bằng đá được gia công kỹ lưỡng, mái lợp bằng ngói ta, cửa theo kiểu thượng song hạ bản.

Thời xa xưa, vùng ven biển Quảng Ninh đất rộng, biển dài, lắm tôm, nhiều cá lại có nhiều núi non, khe chắn, có nhiều vùng trú ẩn để tránh giông bão, thuận tiện và đảm bảo được tài sản cho những người làm nghề chài lưới trên biển. Thấy vậy, một số người dân làm nghề ven sông các tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa di cư đến cùng với bà con làm nghề chài lưới ở địa phương sông Bắc Cửa Lục, huyện Hoành Bồ, vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Cẩm Phả huyện hay là huyện Vân Đồn để cùng nhau làm ăn sinh sống.

Qua một số năm đến đây làm ăn kinh tế phát triển gấp nhiều lần so với ở quê cũ, lại thuận tiện nhiều bề, nên những người di cư đến đây ở lại coi đây là quê hương mới, đồng thời 7 cụ tổ của 7 dòng họ (cả người địa phương và người di cư đến) đã bàn bạc và thống nhất để công việc làm ăn được ổn định, có tổ chức, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, tránh được sự tranh chấp giữa những người trong cộng đồng và ngoài cộng đồng, dựng làng, lập xã để quản lý, đồng thời vận động anh em con cháu các dòng họ đóng góp tiền của công sức và kêu gọi khách thập phương ủng hộ để xây dựng ngôi đình để thờ thành Hoàng làng và các vị anh hùng dân tộc, các vị có công với nước, với dân để bảo vệ, cứu giúp dân làng làm ăn tiến lên.

Đình Giang Võng

Đình không chỉ có thờ các vị Thành Hoàng làng, các vị Tổ tiên, ghi lại dấu ấn lịch sử của làng và những người có công với nước với dân qua các triều đại, mà đình làng còn là nơi hội tụ để làm việc làng việc nước và cũng là trường học của con em dân làng qua các triều đại. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đình Giang Võng còn là nơi tập kết các cánh quân và là cơ sỏ đi lại để hoạt động của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hồng Gai như đồng chí: Phạm Hoành, Lê Đại, Lê Mai, Trần Đường, Trần Quốc Tấn, Lê Xung, Bùi Xuân Khới và đồng chí Hoàng Cả, Quân Đạm huyện Hoành Bồ...

Trải qua thăng trầm của lịch sử đình đã bị hư hỏng, xuống cấp. Tiền tế chỉ còn lại vết tích qua một số thành phần gốc cấu thành còn sót lại. Đại Bái với quy mô vừa phải cũng đã bị xuống cấp. Trong đình hiện nay còn rất ít cổ vật, chỉ còn giữ lại được bộ sắc phong thời Nguyễn.

Hàng năm, đình mở hội vào Hội lễ được tổ chức 2 ngày, ngày 09, ngày 10 tháng 11 âm lịch hàng năm. Do thời gian, biến cố lịch sử lễ hội đình Giang Võng một thời gian đã không được tổ chức. Năm 2009, lễ hội được phục dựng lại giao cho UBND phường Hà Khánh chịu trách nhiệm quản lý và được tổ chức thường kỳ hàng năm cho đến nay. Ngoài các nghi lễ như mộc dục, lễ trình và lễ cáo yết..., nghi lễ rước nước là những tục rất riêng và độc đáo của ngư dân làng chài.

Lễ rước nước của Lễ hội đình Giang Võng

Sau phần lễ là phần hội đua thuyền chải tại bến rước nước, đây là trò chơi trong hội song cũng là tục lệ không thể thiếu trong lễ hội đình Giang Võng. Đội hình đua thuyền chải ở đây là biểu tượng của giáp Đông (Đội bơi của khu 7, 8 phường Cao Xanh) và giáp Tây (đội bơi của thôn 4 xã Lê Lợi huyện Hoành Bồ) làng Giang Võng xưa. Hội bơi chải có thể mở rộng với các đội bơi của xã Hùng Thắng, làng chài Cửa Vạn… Trong lúc chuẩn bị cho bơi chải sẽ có 02 thuyền hát giao duyên do các bạn trẻ làng chài Cửa Vạn biểu diễn. Ngoài bơi chải còn có các trò chơi truyền thống như đấu vật, kéo co thu hút rất đông người tham gia. Sau phần hội là lễ hóa mã và giã hội.

Lễ hội Đình Giang Võng mang nét đẹp của người dân miền biển

Năm 2016, Đình Giang Võng được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.  Ban Quản lý di tích được thành lập, hoạt động hiệu quả trong việc quản lý hiện vật đồ thờ tự, tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về di tích di sản đến với cộng đồng dân cư. Năm 2009, lễ hội đình Giang Võng được phục dựng và được UBND phường Hà Khánh duy trì hàng năm.

Sự hình thành, ra đời của đình Giang Võng phản ánh phần nào sự hình thành, tồn tại, phát triển cũng như các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của cư dân làng chài bên bờ sông Cửa Lục. Việc thờ cúng các vị thần đã tồn tại bao đời nay cùng với lễ hội diễn ra tại đình Giang Võng mang một nét văn hóa, tín ngưỡng đặc trưng riêng của ngư dân vùng biển. Qua đó phản ánh nét đẹp văn hoá truyền thống của cư dân làng chài Cửa Vạn nói chung, cư dân làng Giang Võng nói riêng.

Phường Hà Khánh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 171