Virus Nipah nguy hiểm như thế nào?

Virus Nipah (viết tắt là NiV) cũng thuộc chi Henipavirus, họ Paramyxoviridae, được xác định lần đầu tiên năm 1998 và công bố vào năm 1999 khi chúng bùng phát và dẫn tới việc hơn 100 người tử vong tại hai quốc gia là Malaysia và Singapore.

Cho đến nay, gần như hàng năm, tại một số khu vực thuộc châu Á như Ấn Độ, Bangladesh vẫn tiếp tục ghi nhận các đợt bùng phát dịch bệnh do virus này. Tổ chức Y tế Thế giới đã xác định đây là loại virus có thể gây dịch quy mô lớn trong tương lai nếu việc tìm ra các loại thuốc đặc trị hoặc vắc xin phòng ngừa không được thực hiện có hiệu quả.

Một số nơi thuộc Ấn Độ, Bangladesh hàng năm vẫn ghi nhận các đợt dịch bùng phát

2. Virus Nipah nguy hiểm như thế nào?

Do cùng thuộc chi Henipavirus nên Nipah cũng mang một số đặc điểm giống với các chủng khác, song ở một số khía cạnh, độ nguy hiểm của nó cao hơn. Một số nhà khoa học cho rằng virus Nipah có độc tính gấp 75 lần Corona virus.

Vật chủ mang bệnh

Vật chủ mang bệnh của virus Nipah cũng là một loại dơi ăn quả (Pteropus). Virus từ loài dơi này có thể truyền sang cho một số động vật như dê, cừu, ngựa, lợn, chó, mèo,…

Con đường lây lan

Việc lây nhiễm virus từ động vật sang cho người được các nhà khoa học phát hiện thông qua các con đường như:

· Tiếp xúc trực tiếp với máu, nước tiểu hoặc nước dãi của các động vật như dơi hoặc lợn bị bệnh.

· Những người ăn uống hoặc tiêu thụ thực phẩm có dính chất dịch cơ thể của động vật bị nhiễm virus, chẳng hạn như sử dụng nhựa cây chà là, ăn trái cây bị nhiễm độc.

Ở đợt bùng phát đầu tiên, sự lây nhiễm chỉ diễn ra từ dơi sang lợn rồi truyền cho người. Song, nguy hiểm hơn, với loại virus này, các nhà khoa học đã ghi nhận những trường hợp lây từ người sang người do tiếp xúc với dịch cơ thể, dịch mũi, máu hoặc nước tiểu của người bệnh.

Chính điều này mang đến lo ngại về việc Nipah có khả năng gây dịch trên toàn cầu.

Các triệu chứng điển hình

Cũng giống như các chủng cùng chi, triệu chứng do nhiễm virus Nipah có thể diễn ra từ nhẹ đến nặng.

· Khi mới nhiễm, triệu chứng có thể chỉ mới xuất hiện ở đường hô hấp như: đau họng, ho, khó thở, cùng với đó là nhức đầu và sốt, nôn mửa.

· Đến giai đoạn bệnh nặng, người bệnh có thể trở nên mất phương hướng, rối loạn tâm thần, lú lẫn, viêm não, suy hô hấp, hôn mê hoặc co giật.

Tỷ lệ tử vong của virus Nipah cũng rất cao, từ 40 tới 75%. Không những thế, nhiều trường hợp sống sót cũng gặp những tác dụng phụ lâu dài như: thay đổi tính cách, co giật dai dẳng. Thậm chí, có những trường hợp sau khi khỏi bệnh đã vài tháng hoặc nhiều năm, vẫn có thể xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng tiềm ẩn.

3. Chẩn đoán và điều trị nhiễm virus Nipah

Khi mới bị nhiễm bệnh ở giai đoạn đầu, thực hiện xét nghiệm RT-PCR bằng cách lấy dịch mũi họng, nước tiểu hoặc máu. Sau đó, có thể tiến hành kiểm tra kháng thể để đánh giá việc đáp ứng của cơ thể với điều trị và khả năng hồi phục của người bệnh.

Cũng giống như nhiều bệnh khác, việc chẩn đoán sớm sẽ tác động tích cực tới hiệu quả điều trị và hạn chế lây lan. Tuy nhiên, do triệu chứng ban đầu có thể gây nhầm lẫn nên thường căn cứ vào bệnh sử, chẳng hạn như: người sống trong vùng có dịch hay vùng có nguy cơ cao hoặc từng tiếp xúc với người bệnh.

Giống như các chủng cùng chi, hiện nay cũng chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nào được chỉ định mà chủ yếu là chăm sóc, hỗ trợ, kết hợp giữa khắc phục triệu chứng với nghỉ ngơi.

Một số bệnh nhân của đợt dịch đầu tiên tại Malaysia đã được chỉ định dùng thuốc Ribavirin để điều trị, song hiệu quả chưa được khẳng định rõ ràng.

4. Phòng ngừa việc lây nhiễm virus Nipah (NiV)

Đối với khu vực đã từng xảy ra dịch, các biện pháp phòng ngừa được chỉ định bao gồm:

· Thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc các dung dịch có tính sát khuẩn.

· Hạn chế việc tiếp xúc với dơi hoặc lợn ốm.

· Tránh xa các khu vực có sự trú ngụ, sinh sống của loài dơi.

· Không ăn uống trái cây mọc hoang dại hoặc rụng trên mặt đất, không sử dụng các sản phẩm có thể bị nhiễm khuẩn, chẳng hạn như nhựa cây chà là.

· Với những người tham gia chăm sóc hoặc điều trị bệnh nhân nhiễm virus, cần được thực hiện công tác bảo hộ, khử trùng nghiêm ngặt.

Các khu vực có sự tồn tại của loài dơi này thuộc một số quốc gia như Campuchia, Philippin, Thái lan, Indonesia,… nguy cơ bùng phát NiV, cần thực hiện một số biện pháp mang tính lâu dài như:

· Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng những nhận thức cơ bản về virus cũng như dịch bệnh.

· Hạn chế tổ chức cho khách du lịch hoặc người dân tới tham quan các khu vực loài dơi này trú ngụ, sinh sống, nếu có đi qua nên thực hiện nghiêm biện pháp bảo hộ.

· Bảo vệ cân bằng sinh thái, tăng cường việc nghiên cứu các đặc điểm, tập tính của dơi ăn quả để hạn chế nguy cơ truyền bệnh của chúng.

· Tăng cường việc giám sát người và động vật tại các khu vực có nguy cơ cao xuất hiện virus.

· Tiếp tục nghiên cứu, điều chế vắc xin, thuốc đặc trị bệnh và phát triển các phương pháp nhằm phát hiện sự tồn tại của virus trong vật nuôi hoặc cộng đồng.

Bên cạnh đó, sự chủ động của mỗi cá nhân trong cộng đồng cũng là một giải pháp quan trọng để phòng ngừa cũng như kiểm soát dịch bệnh:

· Giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường.

· Từ bỏ sở thích ăn thịt động vật hoang dã, đặc biệt việc coi dơi là món ăn đặc sản tại một số quốc gia chính là cách khiến các loại bệnh nguy hiểm dễ dàng bùng phát.

· Nâng cao ý thức trong việc chấp hành quy định, hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.

Nguồn: Trạm y tế phường Hà Khánh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 426