Quảng Ninh quản lý hiệu quả hoạt động khai thác khoáng sản

Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và đất, cát san nền trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện nghiêm túc. Nhờ đó đã chấn chỉnh, đưa hoạt động khoáng sản đi vào nền nếp hơn, đáp ứng nhu cầu khoáng sản về vật liệu xây dựng của tỉnh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện trạng khai thác, sử dụng

Quảng Ninh với nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú về chủng loại và giá trị sử dụng như: than, đá vôi, đất sét, cát san lấp, cát thủy tinh, pyrophilit,... Đến nay đã xác định được 243 mỏ và điểm quặng của 33 loại khoáng sản. Trong đó than đá có trữ lượng lớn, tập trung tại 3 khu vực: Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí - Đông Triều được thăm dò, khai thác, tiêu thụ và sử dụng phù họp với Quy hoạch. Các mỏ đá vôi, đất sét, cát san lấp, cao lanh... có trữ lượng tương đối lớn, phân bố rộng khắp các địa phương và được quy hoạch, khai thác hợp lý, là nguồn nguyên liệu quan trọng để sản xuất vật liệu xây dựng, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần to lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm qua.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã lập báo cáo, tổ chức thi công, trình phê duyệt kết quả thăm dò bổ sung nâng cấp trữ lượng trong phạm vi ranh giới là 72/75 giấy phép khai thác, đạt 96%; 75/75 giấy phép khai thác đã lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế mỏ; 100% số đơn vị có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đã hoàn thiện thủ tục pháp lý về lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp theo quy định.

Tất cả các đơn vị khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đều sử dụng công nghệ khai thác gắn với chế biến và sử dụng khoáng sản như: Khai thác đá vôi được nghiền sàng ra các chủng loại đá phục vụ nhu cầu xây dựng; khai thác sét gắn liền với các nhà máy gạch ngói, thực hiện hoán đổi sét các nhà máy để sử dụng tiết kiệm, hợp lý, nâng cao hiệu quả.

Tất cả các đơn vị khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đều sử dụng công nghệ khai thác gắn với chế biến và sử dụng khoáng sản.

Về lĩnh vực đất đai, hầu hết các đơn vị được cấp giấy phép khai thác đã chủ động hoàn thiện hồ sơ, trình UBND tỉnh cho thuê đất để hoạt động. Đến nay đã có 63 khu vực khai thác khoáng sản đã có quyết định cho thuê đất với tổng diện tích được thuê là trên 570 ha.

Để quản lý, bảo vệ tài nguyên khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và đất, cát san nền, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhắc nhở các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo đúng kế hoạch, chỉ thị của UBND tỉnh Quảng Ninh về tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra hoạt động khoáng sản liên ngành, trang bị phương tiện, máy móc, thiết bị để  tuần tra, kiểm soát và xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh, mua bán và khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là hoạt động khai thác cát, sỏi, đá trên địa bàn tỉnh.

Năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật đất đai môi trường khoáng sản, bảo vệ môi trường đối với 25 đơn vị có hoạt động khai thác cát, sỏi, nạo vét luồng tàu có tận thu khoáng sản; kiểm tra đối với 46 đơn vị có hoạt động khai thác khoáng sản ngoài than trên địa bàn tỉnh. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2016 đã xử lý vi phạm hành chính đối với 22 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản. Thông qua công tác thanh, kiểm tra đã hướng dẫn các đơn vị có hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường. Những đơn vị cố tình không thực hiện đã bị xử lý theo quy định. Qua đó góp phân nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; nâng cao ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân có hoạt động khoáng sản.

Một số doanh nghiệp khai thác đất, cát đã để trôi xuống nhà dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và đất, cát san nền trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Hoạt động khai thác khoáng sản chưa tuân thủ đầy đủ nội dung giấy phép khai thác được cấp và các quy định của pháp luật còn diễn ra; Một số khu vực khai thác khoáng sản còn gây tác động tới cảnh quan, môi trường, làm hỏng đường giao thông, không nhận được sự đồng thuận của người dân trong khu vực; Hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép đã được kiểm soát nhưng vẫn luôn tiêm ẩn nguy cơ tái diễn nếu không có giải pháp quyết liệt, đồng bộ; Hoạt động khai thác đất san lấp hầu hết các dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng vật liệu san lấp (cát, đất đồi) không xác định, quy hoạch địa điểm khai thác tạo ra sự thiếu cân đối trong cung cấp, gây khó khăn phức tạp cho công tác quản lý; Hoạt động nạo vét luồng kết hợp tận thu sản phảm theo hình thức xã hội hóa tuy đã được thực hiện, quản lý tốt nhưng còn hiện tượng lợi dụng để khai thác khoáng sản trái phép, gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường...

Tăng cường quản lý, bảo vệ

Để khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và đất, cát san nền trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện nghiêm túc, thực sự phát huy được hiệu quả, điều căn bản là phải nêu cao trách nhiệm, tính gương mẫu của người đứng đầu.

Trong cơ chế chính sách cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng, ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức có hoạt động khoáng sản đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng khai thác, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, giảm tỷ lệ tài nguyên đảm bảo cảnh quan, môi trường. Đồng thời ưu tiên, khuyến khích các dự án khai thác, sử dụng khoáng sản không truyền thông để sản xuất cát xây dựng nhằm giải quyết nguồn thiếu hụt cát xây dựng trên địa bàn tỉnh như: Tận dụng nguồn đá vụn trong chế biến đá xây dựng (ryolit, cát kết); sử dụng cuội sỏi khu vực miền Đông để nghiền sàng làm cát xây dựng; tận dụng nguồn đá cát kết, cuội kết trong đá thải các mỏ than để nghiên, sàng, rửa thành cát xây dựng.

Các doanh nghiệp có hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản cần phải củng cố và kiện toàn bộ máy quản lý khoáng sản, môi trường.

Đối với giải pháp về nguồn nhân lực, cần có lộ trình sớm bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, môi trường tại Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện và từng bước bố trí cán bộ chuyên trách tại cấp xã. Cùng với đó là tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường cho lực lượng cán bộ hiện có nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, nhất là từ cơ sở. Đối với các doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoáng sản cần phải củng cố và kiện toàn bộ máy quản lý khoáng sản, môi trường; các cán bộ chuyên trách phải được đào tạo đúng chuyên ngành, thường xuyên được tập huấn nâng cao nghiệp vụ, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật... Nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, các sở, ngành liên quan và các địa phương cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm; tham mưu UBND tỉnh thu hồi, chấm dứt hiệu lực đối với các giấy phép khai thác quá trình hoạt động có vi phạm theo quy định của Luật.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh sớm kiến nghị với Chính phủ ban hành các quy định như: Sớm hoàn thiện quy định chi tiết Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường theo hướng thống nhất, đồng bộ và kịp thời giữa các luật; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản trong việc sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường khi gây thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật, công trình, tài sản khác...

Đối với hoạt động khai thác khoáng sản, ngoài các biện pháp nêu trên, hơn bao giờ hết phải cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành; sự giám sát của các cơ quan thông tin, báo chí và nhân dân; sự nghiêm túc và trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp. Có như vậy, công tác quản lý Nhà nước về khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và đất, cát san nền trên địa bàn tỉnh mới đảm bảo sự ổn định bền vững, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh./.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 179