Diện mạo Quảng Ninh sau 60 năm thành lập tỉnh

Sau 60 năm thành lập, từ một tỉnh khó khăn, Quảng Ninh vươn mình thành một cực tăng trưởng pử phía bắc Việt Nam với nhiều đột phá về cơ sở hạ tầng.

Ngày 30/10/1963, Quốc hội khóa 2 ra nghị quyết hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh.

Tỉnh Quảng Ninh trải dài từ Tây (Đông Triều) sang Đông (Móng Cái) với trung tâm là TP Hạ Long và được ví là "Việt Nam thu nhỏ" với sự đa dạng về hình thái địa lý, kinh tế và xã hội.

Cột đồng hồ cao 28 m với kinh phí xây dựng 35 tỷ đồng từ ngân sách TP Hạ Long ở ngã 5 phường Bạch Đằng, năm 2017. Công trình này được xây dựng trên nền cột đồng hồ Hòn Gai cũ có từ năm 1987.

Phía đông TP Hạ Long (ranh giới là vịnh Cửa Lục) phát triển công nghiệp và tập trung hầu hết các cơ quan quản lý của tỉnh Quảng Ninh.

Cầu Bãi Cháy bắc qua eo biển Cửa Lục, khánh thành năm 2006 là sự kiện đặc biệt quan trọng ở Quảng Ninh.
Cây cầu trị giá 2.140 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA đã kết nối phía đông - tây của TP Hạ Long và thông toàn bộ quốc lộ 18 - trục giao thông huyết mạch của vùng kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Trung tâm hành chính tỉnh Quảng Ninh ở phường Hồng Hà TP Hạ Long với Tỉnh ủy, UBND và các trụ sở liên cơ quan.

Năm 2016, tỉnh Quảng Ninh đưa trụ sở liên cơ 4 (tổng vốn đầu tư 350 tỷ đồng) vào sử dụng. Đến năm 2019, trụ sở liên cơ 3 (tổng vốn đầu tư 568 tỷ đồng) cũng khánh thành. Đây là hai công trình triển khai đầu tư theo phương thức đầu tư tư - sử dụng công.

Việc tập trung trụ sở cơ quan hành chính về một khu vực đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Ninh. Từ năm 2017 đến năm 2022, Quảng Ninh giữ vị trí quán quân tại bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhờ những nỗ lực cải cách.

Cảng tàu quốc tế Hạ Long nằm ở trung tâm khu du lịch Bãi Cháy, khánh thành năm 2019.

Khu di tích Yên Tử ở TP Uông Bí mỗi năm đón hàng triệu du khách. Phía tây của tỉnh (Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên) là nơi có nhiều di tích lịch sử ghi dấu quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Quảng Ninh.

Ngày nay, khu vực này được định hướng phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh.

Trong 9 tháng năm 2023, TP Hạ Long đón trên 6,8 triệu lượt khách du lịch, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022, bằng 80,3% kịch bản tăng trưởng năm 2023. Tổng thu từ du lịch đạt 1.408 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2022.

Vùng mỏ Cẩm Phả cách Hạ Long 30 km đang là điểm sáng trong việc thu ngân sách với 20.429 tỷ đồng, là thành phố trực thuộc tỉnh thu ngân sách cao nhất cả nước.

Ngoài tiếp tục khai thác thế mạnh là than, TP Cẩm Phả đang tích cực chuyển dịch kinh tế từ nâu sang xanh. Năm 2022, thành phố đã thu hút khoảng một triệu khách du lịch, gấp 5 lần số dân thành phố.

TP Móng Cái là cửa ngõ quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế giữa Việt Nam với Trung Quốc. Từ một huyện nghèo, trong vòng 10 năm, Móng Cái vươn mình thành đô thị loại 2, một điểm phát triển kinh tế mang ý nghĩa động lực của tỉnh Quảng Ninh và cả vùng Đông Bắc.

Với lợi thế có đường biên giới trên bộ, vừa có đường biên giới trên biển tiếp giáp với Trung Quốc, Móng Cái là cầu nối trực tiếp, trọng yếu trong thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc, ASEAN và Đông Bắc Á. Thành phố này đang phấn đấu trở thành đô thị loại 1 trước năm 2030.

Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài gần 80 km với 4 làn xe, bề rộng mặt đường 25,25 m. Tuyến đường đi qua các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và TP Móng Cái.

Tuyến cao tốc rút ngắn thời gian từ Vân Đồn đi Móng Cái xuống còn 50 phút thay vì 2 giờ; liên thông với hai cao tốc Bạch Đằng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn thành trục dài 176 km, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có số km cao tốc lớn nhất cả nước.

Trục đường này kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, rút ngắn thời gian từ TP Hà Nội đến TP Móng Cái chỉ còn 3 giờ, thay vì 5,5 giờ như trước kia.

Năm 2023, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả dài 18,7 km, rộng 6 làn xe được đưa vào sử dụng. Tuyến đường kết nối với đường Trần Quốc Nghiễn, không chỉ giảm tải cho quốc lộ 18 mà còn kết nối vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới và vịnh Bái Tử Long - di sản ASEAN, phát huy dư địa đất đai dọc tuyến, phù hợp tư duy hướng biển, phát triển kinh tế từ biển của Quảng Ninh.

Diện tích tỉnh Quảng Ninh có 80% là đồi núi, khoảng cách từ miền Tây (Đông Triều) đến miền Đông (Móng Cái) là hơn 200 km. Các tuyến đường mới, to đẹp giúp giao thông thuận tiện, đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Sân bay Vân Đồn được đưa vào khai thác từ năm 2018 đã "mở cửa bầu trời" cho tỉnh Quảng Ninh.

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh đạt 10,28%, đứng thứ 4 trong vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Quy mô nền kinh tế đạt 269.000 tỷ đồng, tăng 17,4% so với quy mô năm 2022, GRDP bình quân đầu người ước đạt 197,6 triệu đồng/người, đứng thứ hai cả nước. Tỉnh cũng đứng thứ 3 trong top 10 địa phương thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất với tổng vốn là 2.186 triệu USD (tương đương trên 51.777 tỷ đồng) đối với 20 dự án FDI.

Sau 60 năm thành lập tỉnh, Quảng Ninh đã từng bước trở thành một tỉnh giàu đẹp, như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn.

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 33